Quan điểm Vụ Bác Sĩ Xin Nghỉ Việc Thì Bị Buộc Thôi Việc - PLO

Số báo hôm qua, Pháp Luật TP.HCMthông tin về việc BS Trần Tú Ngân xin nghỉ việc vì hoàn cảnh gia đình, sau 24 năm làm việc tại Bệnh viện (BV) đa khoa Năm Căn (Cà Mau) nhưng lại bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc với lý do tự ý bỏ việc.

Hai bên đều có quyền chấm dứt hợp đồng

Sự khác biệt giữa viên chức với cán bộ, công chức được thể hiện thông qua chế độ hợp đồng làm việc. Nội dung hợp đồng ghi nhận sự thỏa thuận giữa hai bên về công việc, nhiệm vụ, vị trí việc làm, thời hạn, điều kiện chấm dứt hợp đồng, tiền lương, tiền thưởng...

Dựa trên cơ sở hợp đồng, đơn vị sự nghiệp công lập có thể sử dụng viên chức một cách hiệu quả nhất. Đối với viên chức, hợp đồng làm việc sẽ xóa bỏ tâm lý ỷ lại là “vào biên chế đã khó, ra khỏi biên chế còn khó hơn” nên phải không ngừng cố gắng, trau dồi kinh nghiệm, học hỏi kiến thức để đáp ứng yêu cầu công việc. Ngoài ra, hợp đồng làm việc cũng là cơ sở quan trọng để viên chức không bị ràng buộc mãi mãi với một đơn vị sự nghiệp nhất định.

Bv đa khoa Năm Căn (Cà Mau), nơi BS Trần Tú Ngân có 24 năm gắn bó. Ảnh: TRẦN VŨ

Về nguyên tắc, cả hai bên đều có thể yêu cầu thay đổi, chấm dứt hợp đồng làm việc. Những quy định này cho thấy mối quan hệ giữa viên chức với đơn vị sự nghiệp công lập không phải là mối quan hệ quyền lực - phục tùng như giữa cơ quan nhà nước với cán bộ, công chức.

Theo khoản 4 Điều 29 Luật Viên chức thì viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày…

Đối với viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn thì được đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 29 Luật Viên chức.

Trong đó, nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc xác định thời hạn vì “Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn…” (điểm d khoản 5) thì viên chức phải thông báo trước ít nhất 30 ngày.

Quan trọng nhất là lý do và thời gian thông báo

Như vậy, nếu viên chức thỏa mãn đầy đủ lý do và thời gian thông báo bằng văn bản thì đương nhiên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc. Trong trường hợp này, đơn vị sự nghiệp công lập có nghĩa vụ giải quyết cho viên chức thôi việc.

Cần lưu ý, giải quyết cho viên chức thôi việc với kỷ luật buộc thôi việc là rất khác nhau. Việc đơn vị sự nghiệp công lập giải quyết cho viên chức thôi việc chính là sự phúc đáp của đơn vị sự nghiệp công lập trước đề xuất về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc của viên chức. Trong khi đó, buộc thôi việc là một hình thức kỷ luật áp dụng đối với viên chức vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng đến mức không thể tiếp tục để viên chức làm việc cho đơn vị sự nghiệp công lập.

Cả giải quyết cho viên chức thôi việc và kỷ luật buộc thôi việc đều chấm dứt mối quan hệ hợp đồng giữa hai bên nhưng hậu quả pháp lý lại rất khác nhau. Đơn cử, khi giải quyết thôi việc thì viên chức được hưởng chế độ thôi việc. Trong khi đó, viên chức bị buộc thôi việc thì không được hưởng chế độ thôi việc, đồng thời hình thức kỷ luật này sẽ bị ghi vào hồ sơ viên chức.

Như đã nói, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc là một quyền cơ bản của viên chức. Khi viên chức thực hiện quyền này theo quy định pháp luật thì đơn vị sự nghiệp công lập có nghĩa vụ giải quyết cho viên chức thôi việc.

Tôn trọng thỏa thuận chấm dứt hợp đồng

Khoản 2 Điều 57 Nghị định 115/2020 quy định một số trường hợp ngoại lệ chưa giải quyết thôi việc cho viên chức vì viên chức còn những nghĩa vụ hoặc trách nhiệm chưa hoàn thành trước đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong đó, trường hợp chưa giải quyết thôi việc cho viên chức “do yêu cầu công tác và chưa bố trí được người thay thế” là vì tính chất cần kíp và nhu cầu thiết yếu trong việc sử dụng viên chức.

Tuy nhiên, khác với ba trường hợp trên, trường hợp này viên chức không có nghĩa vụ và trách nhiệm còn dang dở nên nếu có nhu cầu sử dụng viên chức thì đơn vị sự nghiệp công lập vẫn phải dựa trên cơ sở hài hòa về lợi ích hai bên. Nếu viên chức vẫn quyết nghỉ thì đơn vị nên giải quyết cho thôi việc bởi việc cố giữ sẽ có khả năng ảnh hưởng đến công việc chung.

Quan hệ giữa viên chức và đơn vị sự nghiệp công lập khởi đầu bằng sự thỏa thuận thông qua hợp đồng. Khi muốn kết thúc quan hệ này, đa phần các bên sẽ thỏa thuận bằng việc chấm dứt hợp đồng. Cá biệt có những trường hợp pháp luật cho phép viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.

Khi viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định pháp luật thì đơn vị sự nghiệp công lập cũng cần phải giải quyết cho viên chức thôi việc theo quy định pháp luật. Việc “biến tấu” quyết định giải quyết thôi việc thành quyết định kỷ luật buộc thôi việc là không đúng quy định pháp luật.

Ông NGUYỄN TƯ LONG, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức, Bộ Nội vụ:

Dấu hỏi về sự công tâm của giám đốc bệnh viện

Người lao động dù là viên chức vẫn có thể đơn phương chấm dứt quan hệ lao động, đơn giản là để nghỉ ngơi hoặc có thể để chuyển sang cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khác. Bộ luật Lao động gọi đấy là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, còn Luật Viên chức có điều khoản riêng về đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.

Tuy nhiên, quan hệ lao động của viên chức còn có đặc thù so với quan hệ lao động khác được điều chỉnh bởi Bộ luật Lao động. Bởi đơn vị sự nghiệp công lập tuyển dụng viên chức để làm nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ công. Trong nhiều trường hợp, dịch vụ công ấy là thiết yếu, đảm bảo các lợi ích công cộng. Lợi ích công ấy quan trọng hơn so với quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc của viên chức. Vì vậy, pháp luật về viên chức trao cho người sử dụng lao động quyền cân nhắc điều kiện, hoàn cảnh cụ thể khi xem xét đơn xin thôi việc của viên chức và thậm chí có thể kỷ luật với viên chức tự ý nghỉ việc.

Đối với trường hợp báo nêu, người lao động đã hai lần gửi đơn mà thủ trưởng đơn vị vẫn nói chưa tìm được người thay thế thì rõ ràng công tác cán bộ ở đó yếu kém vì phải khẳng định rằng trong bộ máy, không có mắt xích nào không thể thay thế.

Nếu ngoài BS Ngân, còn có nhân viên y tế khác của BV cũng xin nghỉ việc rồi bị buộc thôi việc như vậy thì có thể nghi ngờ về sự công tâm của vị giám đốc BV. Một BV công lập trong thời gian ngắn nếu có nhiều viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng thì có thể đặt dấu hỏi về việc tổ chức, quản lý, điều hành của người đứng đầu BV này.

(ĐỨC MINH ghi)

TS PHẠM QUỐC SỬ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau:

Kỷ luật vậy là không ổn

“Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc” là quyền được pháp luật quy định cho viên chức thực hiện khi đi kèm với điều kiện được xem là lý do chính đáng. Nếu viên chức đáp ứng đầy đủ điều kiện thì không ai có quyền hạn chế hoặc từ chối thực hiện nghĩa vụ xem xét giải quyết yêu cầu chính đáng của viên chức. Nếu không được giải quyết thì viên chức có quyền đơn phương thực hiện quyền chính đáng này. Đồng thời, cơ quan sử dụng viên chức cũng có quyền này trên nguyên tắc cân bằng quyền lợi.

Chế định “buộc thôi việc” là phạm trù trách nhiệm pháp lý mang yếu tố mệnh lệnh hành chính, không phụ thuộc vào sự đồng ý hay không đồng ý của người vi phạm và đây là khung trách nhiệm pháp lý cao nhất khi xử lý vi phạm đối với người lao động và hậu quả của nó tác động rất lớn.

Trường hợp BS Ngân xin nghỉ việc với lý do hoàn cảnh gia đình, cũng được hiểu là đang thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo luật. BS Ngân đã xin nghỉ hơn ba tháng trước khi tự nghỉ thì không thể buộc thôi việc được.

“Tự ý bỏ việc” là hành vi bị kỷ luật buộc thôi việc, quy định tại Điều 19 Nghị định 112/2020. Tuy nhiên, tự ý bỏ việc là hành vi viên chức đó bỏ việc mà không thông báo. Còn BS Ngân có đơn xin nghỉ thì không thể nói là tự ý bỏ việc được. Do đó, kỷ luật BS Ngân về hành vi “tự ý bỏ việc” là không ổn.

Tuy nhiên, xét ở một góc độ khác, ta thấy Điều 57 Nghị định 115/2020 lại có quy định cho phép cơ quan sự nghiệp công lập chưa giải quyết cho thôi việc khi “do yêu cầu công tác, chưa bố trí được người thay thế”. Nội dung quy định này không định lượng về mặt thời gian, chưa giải quyết cho thôi việc có thể kéo dài bao lâu. Dù vậy, theo tôi, khi vận dụng pháp luật phải hiểu là có thể chưa giải quyết cho thôi việc trong khung luật định. Trường hợp cụ thể này là 45 ngày nhưng không đồng nghĩa có quyền kéo dài vô thời hạn.

Luật định phải thông báo trước 45 ngày là để đơn vị có thời gian bố trí người thay thế, không để hoạt động bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, qua câu chuyện này, tôi thấy cần bổ sung cho rõ hơn về mặt thời gian “chưa giải quyết cho thôi việc” quy định tại Nghị định 115/2020 để đảm bảo việc nhận thức và áp dụng pháp luật được thống nhất, khắc phục tình trạng nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến sự tùy tiện khi áp dụng pháp luật.

TRẦN VŨghi

TS CAO VŨ MINH Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Buộc Nhân Viên Thôi Việc