Vì Sao Nên Dạy Chữ Hán Cho Học Sinh Phổ Thông?

Trong thời gian gần đây trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã diễn ra cuộc trao đổi sôi nổi về việc dạy chữ Hán ở bậc học phổ thông với nhiều ý kiến khác biệt; trong đó không ít ý kiến ngộ nhận giữa chữ Hán với tiếng Trung, giữa dạy chữ Hán với dạy một ngoại ngữ. Với mong muốn giới thiệu một cái nhìn hệ thống, khách quan về vấn đề này, Bản tin ĐHQG-HCM xin ghi lại ý kiến của các nhà chuyên môn về văn học, Hán Nôm, ngôn ngữ và báo chí xung quanh hai khía cạnh chính yếu: Vì sao nên dạy chữ Hán cho học sinh phổ thông; và nên dạy như thế nào?

*Học giả An Chi - Nhà nghiên cứu ngôn ngữ học:

Văn hóa tiền nhân bỏ đi sao được

Tiếng Trung (hay tiếng Hoa), thực ra là tiếng Bắc Kinh hay tiếng Quan thoại, dùng làm tiếng phổ thông cho cả nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Sở dĩ nhà cầm quyền Trung Quốc phải dùng biện pháp này là vì Trung Quốc có nhiều phương ngữ lớn, khác nhau khá xa, đến độ người của phương ngữ này khó có thể hiểu được người của phương ngữ kia. Ngay như tại Chợ Lớn, trung tâm thuộc Q.5, TP.HCM hiện nay, người Quảng Đông, người Phước Kiến, người Triều Châu (thường gọi là người Tiều), người Hẹ (tức Khách Gia) và người Hải Nam (thường gọi là Hải Nàm), cũng khó hiểu được tiếng nói của nhau. Ở bên Trung Quốc thì chuyện lại càng rắc rối hơn.

Quyển Hán ngữ phương âm tự hội (汉语方音字汇) của Ngữ ngôn học giáo nghiên thất thuộc Bắc Kinh Đại học Trung Quốc ngữ ngôn văn tự hệ (Ngữ văn xuất bản xã, Bắc Kinh, 2003) đã thu thập cách đọc của 20 phương ngữ! Chính vì cần một tiếng nói chung nên họ mới lấy tiếng Bắc Kinh làm tiếng phổ thông. Có một điều thú vị là Tưởng Giới Thạch, người Giang Tô và Mao Trạch Đông, người Hồ Nam, hai kẻ thù không đội trời chung, đều không nói được thứ tiếng này.

Về vấn đề “Hán Việt”, trước nhất xin nói rằng “từ Hán Việt” là một khái niêm hẹp nằm trong một khái niệm rộng hơn. Đó là “yếu tố Hán Việt”, bao gồm cả những hình vị Hán Việt không độc lập, như hà (sông), giang (cùng nghĩa), sơn (núi), thủy (nước)… Yếu tố Hán Việt là những tiếng (âm tiết) Việt gốc Hán mà người Việt đã đọc theo hệ thống ngữ âm của tiếng Hán đời Đường, và chúng ta vẫn giữ nguyên như thế sau khi giành được độc lập ở thế kỷ X. Trong khi tại Trung Quốc, hệ thống đó vẫn tiếp tục phát triển, dẫn đến sự cách biệt khá xa so với âm Hán Việt. Chẳng hạn, âm Hán Việt của chữ(學) là học còn âm Bắc Kinh của nó là xué (ghi theo pīnyīn), âm Hán Việt của chữ (校) là hiệu còn âm Bắc Kinh của nó là xiào. Vậy “học hiệu” (學校) đọc theo âm Bắc Kinh là “xuéxiào”; khác âm Hán Việt rất xa. Dĩ nhiên, cũng có những trường hợp mà hai bên còn gần nhau, như âm Hán Việt của chữ (安) là an (cũng đọc là “yên”) còn âm Bắc Kinh của nó là ān (cũng ghi theo pīnyīn) nhưng nói chung, hiện nay, âm Hán Việt và âm Bắc Kinh là hai hệ thống khác hẳn nhau.

Tuy chưa có con số tuyệt đối chính xác nhưng người ta thường cho rằng có khoảng 70% vốn từ vựng tiếng Việt là Hán Việt. Thậm chí có người còn đẩy con số lên đến 80%.Vai trò của các yếu tố Hán Việt rất quan trọng, không thể bỏ qua được, đặc biệt là về phương diện tạo từ. Với các hình thức chú âm chữ Hán bằng biện pháp thiết âm (cũng gọi là phiên thiết) - theo âm đời Đường - về nguyên tắc, mọi chữ Hán đều có thể được đọc bằng âm Hán Việt. Đây là một lợi thế rất lớn của tiếng Việt. Và với lợi thế này, ta có thể tạo ra nhiều từ, ngữ mới cho mình, nhưng với những cái đã có sẵn trong tiếng Hán chỉ bằng cách đọc những từ, ngữ hữu quan theo âm Hán Việt. Tuy nhiên, trên đây chỉ xét về nguyên tắc, còn trong thực tiễn ta phải có so sánh, lựa chọn, cân nhắc… sao cho có lợi nhất cho tiếng mẹ đẻ của mình.

Với âm Hán Việt, ta còn có thể đọc những thuật ngữ mới, bằng chữ Hán nhưng do người Nhật đặt ra, như cộng sản, kinh tế, phạm trù… Và dĩ nhiên, tự ta cũng còn có thể tạo ra những từ, ngữ mới, không có sẵn trong tiếng Hán, với các yếu tố Hán Việt cần thiết. Xin nêu một số thí dụ tiêu biểu liên quan đến lĩnh vực ngữ học. Đó là những thuật ngữ được tạo ra với hình vị “vị” - mà chữ Hán là (位) (trong “đơn vị”) - tương ứng với hậu tố “eme” của tiếng Anh, như: âm vị - phoneme; hình vị - morpheme; kết vị - tagmeme; nghĩa vị - sememe; ngữ vị - glosseme; thanh vị - toneme; từ vị - lexeme; tự vị - grapheme. Những thuật ngữ bằng tiếng Việt kể trên đều không có trong Ngữ ngôn văn tự bách khoa toàn thư (语言文字百科全书) (Trung Quốc đại bách khoa toàn thư xuất bản xã, Bắc Kinh, 1994) của Trung Quốc.

Việc hiểu đúng nghĩa của các yếu tố Hán Việt, trong đó có từ Hán Việt, có thể giúp việc sử dụng tiếng Việt bớt đi hoặc dứt đi những cái sai đáng tiếc mà điển hình là chuyện dùng yếu điểm thay vì nhược điểm với nghĩa là “chỗ yếu”. Thực ra, yếu điểm lại là điểm quan trọng.

Tiến thêm một bước, việc hiểu đúng nghĩa của các yếu tố Hán Việt, nếu được hỗ trợ bằng một sự thông hiểu về ngữ pháp của tiếng Hán cổ, sẽ giúp ta có thể đọc được các tác phẩm viết bằng chữ Hán của tiền nhân, đọc được câu đối ở đền chùa, miếu mạo, đọc được các bài văn bia người xưa để lại..., nghĩa là để tìm hiểu mảng văn hóa của người Việt xưa liên quan đến chữ Hán.

Về việc dạy chữ Hán, tôi cho rằng ngay từ cấp tiểu học hoặc trễ nhất là đầu cấp trung học cơ sở, chúng ta nên dạy cho học sinh những yếu tố Hán Việt, trong đó dĩ nhiên có hình vị Hán Việt không độc lập và từ Hán Việt.Từ Hán Việt có thể hành chức độc lập trong câu văn. Chẳng hạn, trong câu Tôi là một người dân, nước lấy dân làm gốc thì chữ dân vừa là một yếu tố Hán Việt vừa là một từ. Nhưng có những yếu tố Hán Việt không trở thành một từ được. Tỷ như sơn trong sơn thủy, chúng ta không bao giờ dùng sơn theo nghĩa “núi”, dùng thuỷ theo nghĩa “nước

” trong giao tiếp hằng ngày. Ta chỉ có thể nói Tôi uống nước chứ không thể nói Tôi uống thủy; Chim bay về núi tối rồi chứ không thể Chim bay về sơn… được. Thủy, sơn đều là những yếu tố Hán Việt nhưng là những hình vị phụ thuộc, không độc lập. Còn dân vừa là một yếu tố Hán Việt, vừa là một từ.

Vì vậy, tôi cho rằng, chúng ta không chỉ dạy học sinh từ Hán Việt mà còn dạy cả những hình vị không độc lập như tôi vừa phân tích. Do đó, tôi gọi chung là dạy cho học sinh những yếu tố Hán Việt. Ở đây, tôi muốn nói là dạy về nghĩa, tức chúng ta vẫn dùng chữ quốc ngữ để dạy. Còn nếu dạy cả chữ Hán, tức chữ vuông (phương khối tự) thì phải ở lớp cao hơn. Việc dạy này sẽ được lồng ghép vào chương trình môn ngữ văn. Còn việc lồng như thế nào thì tùy ở thẩm quyền của các nhà tu thư.

Theo tôi, năm cuối của bậc trung học phổ thông, tức lớp 12, chúng ta nên dạy chữ Hán. Chúng ta không phải dạy những khái niệm sơ đẳng về Nho học mà quan trọng là để cho học sinh có được những kiến thức bước đầu về chữ Hán. Vì nếu chọn ngành Hán Nôm ở bậc đại học thì họ đã có cơ sở từ trước. Nếu không tiếp tục học ở bậc chuyên sâu, họ cũng có ý thức về thứ chữ mà tổ tiên từng dùng làm quốc gia văn tự.

Hiện nay, học sinh và ngay cả người lớn đi vào đền miếu, chùa chiền, trừ những nhà nghiên cứu và những người đã có sẵn vốn chữ Hán, thì không ai đọc được. Vậy đó là những thứ bỏ đi chăng? Bỏ đi sao được.

* NGƯT Nguyễn Khuê (Giảng viên ban Hán văn ĐH Văn Khoa Sài Gòn, nguyên Trưởng bộ môn Hán Nôm ĐH KHXH&NV):

Học chữ Hán như học chữ của nước mình

Năm 1945, GS Hoàng Xuân Hãn khi trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã xây dựng chương trình giáo dục cho toàn miền Nam mà người ta vẫn thường gọi là chương trình Hoàng Xuân Hãn. Trong chương trình này, ở bậc trung học (tức THCS ngày nay), ban A mỗi tuần học 4 giờ chữ Hán, ban B mỗi tuần học 1 giờ. Ở ban Hán văn bậc chuyên khoa (tức THPT hiện nay), mỗi tuần học 6 giờ, ban Sinh ngữ, mỗi tuần học 1 giờ. Còn các ban Khoa học, họ phải học hai sinh ngữ Anh và Pháp. Nhưng nếu chỉ học một trong hai sinh ngữ này thì phải học thêm Hán văn. Có thể thấy, chương trình Hoàng Xuân Hãn đã đặt nặng vấn đề dạy chữ Hán, dành cho chữ Hán một vị trí rất quan trọng thông qua số giờ giảng dạy hằng tuần tại các bậc học.

Đến năm 1954, chương trình giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa được thiết kế và phát triển dựa trên tinh thần của chương trình Hoàng Xuân Hãn.Ở bậc trung học đệ nhất cấp, từ lớp đệ thất đến lớp đệ tứ (lớp 6 đến lớp 9), mỗi tuần đều có một giờ chữ Hán. Khi lên tới trung học đệ nhị cấp (lớp 10 đến lớp 12), chương trình giáo dục được chia thành bốn ban: ban A (Lý-Hóa-Vạn vật), ban B (Toán-Lý-Hóa), ban C (sinh ngữ, có thể là Anh văn chính, Pháp văn phụ hoặc ngược lại) và ban D (cổ ngữ, gồm Hán văn và tiếng Latin). Chọn học một trong hai ngành này đều phải học thêm một sinh ngữ Anh văn hoặc Pháp văn. Về khoa cử, mỗi năm học chia thành hai học kỳ là đệ nhất lục cá nguyệt và đệ nhị lục cá nguyệt.Đối với trung học đệ nhất cấp, cuối mỗi học kỳ đều có một bài thi về chữ Hán, nhưng khi thi tốt nghiệp thì không có. Nội dung bài thi xoay quanh việc phiên âm và dịch một số câu chữ Hán đơn giản. Đối với đệ nhị cấp, những ai học ban Hán văn đều có một bài thi trong kỳ thi tú tài bán phần, là dịch từ Hán văn ra Việt văn và dịch một bài khác từ Việt văn ra Hán văn. Đối với thi tú tài toàn phần, hình thức thi môn Hán văn cũng tương tự, nhưng ở mức độ khó hơn.

Theo quan niệm của tôi, việc học chữ Hán ở trung học đệ nhất cấp có thể nói là rất nhẹ nhàng.Ở bậc học này, quá trình học chữ Hán chỉ hướng đến nhận thức của người học về biểu đạt nghĩa của Hán tự. Tức chỉ học chữ rời (như nhân là người, nhân loại là loài người, nhân tâm là lòng người) và học chữ chỉ để nhớ nghĩa, giúp người học có thể hiểu đúng và dùng đúng.

Khi lên lớp đệ tứ, thầy có thể cho học thêm một vài câu thơ giản dị, dễ hiểu hoặc học một vài câu châm ngôn, cách ngôn bằng chữ Hán đơn giản. Chẳng hạn câu Ẩm thủy tư nguyên (uống nước nhớ nguồn). Khi lên đến ban tú tài, việc học lúc này không chỉ vững về nghĩa mà còn phải thuộc mặt chữ. Đối với ban cổ ngữ, ngành Hán văn, việc học Hán văn đã ở một mức chuyên sâu nhất định. Người học bắt đầu tiếp cận các văn bản Hán văn thông qua những tác phẩm văn chương của Trung Quốc và Việt Nam. Đại khái việc dạy chữ Hán tại miền Nam trước năm 1975 là như thế.

Sau năm 1975, chương trình phổ thông không còn môn Hán văn nữa. Khi còn là Trưởng bộ môn Hán Nôm của Trường ĐHKHXH&NV, tôi và GS Huỳnh Như Phương đã tổ chức hội thảo khoa học “Ngành đào tạo Hán Nôm: Thực trạng và giải pháp”, trong đó có kiến nghị về việc đưa chữ Hán vào dạy ở các trường phổ thông. Tuy nhiên, kiến nghị này không được hồi đáp.

Có một giai đoạn chúng ta phát động phong trào giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt theo cách hiểu hạn chế sử dụng từ Hán Việt. Chẳng hạn, thay vì chúng ta nói phi cơ trực thăng thì lại nói máy bay lên thẳng, hay thủy quân lục chiến lại gọi là lính thủy đánh bộ. Tuy nhiên cách giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt này vẫn không thể “thoát khỏi” các yếu tố Hán Việt vốn đã thật đa dạng trong hệ thống tiếng Việt. Chẳng hạn, chúng ta sẽ nói nữ quân nhân hay bộ đội gái? Rõ ràng, chữ nữ bao hàm hai cách hiểu: chỉ những người phụ nữ chưa chồng hay đã có chồng, tức phụ nữ nói chung. Còn khi nói bộ độ gái, về mặt nghĩa, nó đã đưa ra cách hiểu giới hạn hơn và không đúng với thực tế.

Từ đó, có thể thấy rằng, từ Hán Việt đã có lịch sử phát triển lâu đời, nó không chỉ khắc phục được những hạn chế về nghĩa của tiếng Việt, mà còn biểu thị cho một di sản văn hóa độc đáo của dân tộc. Chính GS Hoàng Xuân Hãn từ rất sớm đã ý thức việc duy trì dạy chữ Hán khi thiết kế chương trình giáo dục.Bản thân ông là một trí thức Tây học và là ngọn cờ đầu trong phong trào truyền bá chữ quốc ngữ đầu thế kỷ trước, nhưng ông vẫn không quên vị trí vô cùng quan trọng của chữ Hán trong hệ thống quốc ngữ. Đó là ý thức về việc giữ gìn di sản văn hóa dân tộc của tiền nhân trong suốt hơn 10 thế kỷ trước.

Chúng ta đã có một thời gian rất dài trải qua nhiều triều đại quân chủ đều coi chữ Hán là quốc gia văn tự. Cho nên việc học chữ Hán cũng như học chữ của nước mình.Khi đưa chữ Hán vào trường phổ thông, chúng ta phải xây dựng một lớp giáo viên chuyên để dạy. Nguồn lực này có thể lấy từ các cử nhân ngành Hán Nôm tại một số trường đại học như Nhân Văn, Sư Phạm… Tuy nhiên, đội ngũ giảng dạy chuyên nghiệp này hiện nay vẫn còn hạn chế về số lượ

ng. Về ngắn hạn, chúng ta có thể tuyển dụng các cử nhân ngành Văn về trường phổ thông dạy chữ Hán. Các thầy cô này vừa dạy vừa tự nghiên cứu để hoàn thiện kiến thức căn bản Hán văn. Nhưng về lâu dài, cách thức này sẽ gây nhiều bất cập.

Về thuận lợi, tuy đội ngũ cử nhân Hán văn còn giới hạn nhưng họ đã được đào tạo bài bản, chuyên sâu, có thể đảm nhận tốt việc giảng dạy tại các trường phổ thông. Mỗi tuần chúng ta chỉ cần dạy một giờ chữ Hán để các em hiểu nghĩa mà vận dụng đúng là đã đạt mục đích. Việc thêm một giờ chữ Hán này sẽ khiến tổng số tiết trong tuần dôi ra, nhưng người biên soạn chương trình có thể linh động giảm số tiết của những môn khác, bù vào việc giảng dạy một giờ chữ Hán trong tuần. Tôi cho rằng điều này chúng ta hoàn toàn có thể làm được.

*PGS.TS Đoàn Lê Giang (Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐHKHXH&NV ĐHQG-HCM):

Dạy chữ Hán để giữ gìn tiếng Việt và văn hóa Việt

Chúng ta phải học chữ Hán vì hai lý do chính:

Thứ nhất, muốn hiểu sâu tiếng Việt, chúng ta cần biết gốc gác nó ra sao, tra cứu nó thế nào. Ví dụ: từ minh tâm, nghĩa là sáng lòng, vì chữ minh là sáng. Nhưng học trò thắc mắc thế u minh là gì, là sáng tối? Không, minh trong trường hợp này lại là tối, u minh là mờ mịt. Học trò lại hỏi: Thế đồng minh là cùng sáng? Không, đồng minh là cùng phe, vì nó xuất phát từ nghĩa: cùng hội thề, tức chữ minh ở đây là thề. Vậy làm thế nào để cô giáo trả lời học sinh những câu hỏi ấy, làm thế nào cho học sinh không hỏi cô mà cũng biết được.

Có hai cách: (1)Học âm Hán Việt, tự tra từ điển tiếng Việt. Đa số những người giỏi tiếng Việt hiện nay đều hình thành bằng con đường ấy. Nhưng thực ra họ cũng không thật tự tin vì từ ngữ thì vô bờ, sai đúng lẫn lộn. (2)Học chữ Hán để có ấn tượng là chữ Hán rất nhiều từ đồng âm, nhiều nghĩa khác nhau. Sau đó biết cách tra từ điển. Từ điển chữ Hán có nhiều loại, rất phức tạp, phải học để có một chút vốn liếng mới tra được. Bằng cách này người ta có thể tự tra cứu, tự học tiếng Việt suốt đời.

Thứ hai, học chữ Hán để chúng ta hiểu được văn hóa Việt Nam. Vì từ trước khi bỏ chữ Hán hoàn toàn vào đầu thế kỷ XX, toàn bộ di sản văn hóa Việt Nam được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm (một thứ chữ được hình thành từ chữ Hán). Chúng ta học chữ Hán để hiểu sâu tiếng Việt, từ đó có thể hiểu được vốn văn hóa Việt Nam. Văn hóa cổ dù có được dịch ra tiếng Việt, như các công trình của Lê Quý Đôn chẳng hạn, nếu không có vốn chữ Hán nhất định, đọc vẫn rất khó hiểu. Đọc Truyện Kiều, nếu biết chữ Hán, chữ Nôm thì mới hiểu thấu đáo cái hay của nó. Chúng ta nếu biết chút ít chữ Hán thì đến các di tích văn hóa (đình chùa, miếu mạo), nhìn một tập thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, chúng ta không thấy xa lạ, không thấy mình là “những đứa con thất cước của giống nòi” (chữ của Hoài Thanh).

Sâu xa hơn, chúng ta là người Việt Nam. Trong văn hóa chúng ta có một phần văn hóa Đông Á. Chúng ta coi trọng gia đình, sống cần kiệm, đề cao đức liêm chính, hiếu kính, hiếu học... Tất cả điều ấy có xấu không, có nên bỏ không, và có bỏ được không? Tôi không nói phương Tây không có điều ấy, đạo đức phương Tây được hình thành từ Thiên chúa giáo và văn hóa truyền thống của họ, còn đạo đức chúng ta thì từ văn hóa bản địa và văn hóa Đông Á (Nho, Đạo thuộc về văn hóa Hán, Phật thì gốc Ấn Độ).

Những điều ấy được các bậc hiền triết phương Đông nói rất hay và từ rất sớm, các sách vỡ lòng chữ Hán ngày xưa vừa dạy chữ, vừa dạy người thông qua các sách đó rất thú vị và dễ nhớ. Vậy chúng ta có nên học một chút tinh hoa từ đó qua sách chữ Hán nhập môn không? Nếu chúng ta chỉ lo đuổi theo phương Tây và bằng lòng với ngôn ngữ chat, tin nhắn, với loại văn bản lổn nhổn tiếng Anh lẫn tiếng Việt thì rõ ràng đó là nguy cơ cho sự trong sáng của tiếng Việt và mai một văn hóa truyền thống.

Học chữ Hán có dễ không? Tôi cho rằng dễ mà khó. Nếu học để trở thành học giả uyên thâm dịch được sách vở cổ thì rất khó, nhưng học để biết một số chữ, để biết tra từ điển Hán Việt, từ đó có thể tự học tiếng Việt suốt đời thì rất dễ. Vì người học chỉ học có hai kỹ năng: đọc, viết, mà không phải học kỹ năng nghe, nói. Đồng thời học chữ Hán như xem tranh, như học ghép hình rất dễ nhớ và thú vị. Tôi muốn tổ chức một nhóm biên soạn một cuốn Vui học chữ Hán để dạy cho học sinh cấp 2 (như kiểu nhóm Phan Thị làm ở truyện tranh (manga) Thần đồng đất Việt, mỗi tập vài chữ). Trong thực tế học sinh chuyên văn phổ thông năng khiếu hàng năm đều học mấy chục tiết chữ Hán. Các em học rất thú vị và tiến bộ rõ rệt khi sử dụng từ Hán Việt và học văn học cổ điển Việt Nam.

Về nguồn lực dạy chữ Hán, tôi cho rằngcác khoa ngữ văn ở Hà Nội, TP.HCM, Huế đều có sinh viên Hán Nôm, học viên cao học Hán Nôm, và các sinh viên Văn học cũng được học hơn 100 tiết chữ Hán cơ sở và nâng cao. Các cử nhân này sẽ có thể đảm nhiệm được việc dạy chữ Hán tại các trường phổ thông.

Dạy chữ Hán trong nhà trường có nhiều cấp độ khác nhau. Học sinh THCS học 1 tiết/ tuần trong môn Ngữ văn theo kiểu “Vui học chữ Hán” - chữ Hán bằng hình ảnh. Dạy thế này rất dễ, thầy cô có một chút vốn Hán Nôm đều dạy được. Nếu trường không có thầy cô biết Hán Nôm thì bài ấy là tự chọn, thích thì tự học, không thì thôi. Lên THPT thì học sinh chuyên ban KHXH có thể tự chọn học sách chữ Hán cơ sở trong môn Ngữ văn. Sách này có thể tự học vì nhìn chung môn chữ Hán đều có thể dễ dàng tự học. Nếu học sinh có hứng thú thì có thể học tiếp lên chuyên ngành ở đại học. Có thể hình dung môn chữ Hán như môn tiếng Latin của các trường tinh hoa ở Mỹ và châu Âu. Tôi muốn lưu ý rằng, học chữ Hán không ảnh hưởng gì đến tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc hay các ngoại ngữ khác: Pháp, Nhật, Trung. Mỗi môn này theo tôi phải học từ 8-12 tiết/tuần.

*Nhà báo Dương Thành Truyền (Chủ tịch HĐQT NXB Trẻ):

Từ Hán Việt là… tiếng Việt

Hiện nay, trên sách báo, nhất là với các báo mạng vốn rất dễ dãi trong việc đưa tin và sử dụng từ ngữ, những sai sót và nhầm lẫn khi dùng từ Hán Việt là dễ dàng nhận thấy nhất. Nhưng, nhìn chung, hiện tượng này là phổ biến trong xã hội. Người ta thường xuyên nhầm lẫn cứu cánh và cứu trợ, sát thủ và sát nhân, khuyến mãi và khuyến mại, hôn nhân và hôn thú, vị hôn phu /vị hôn thê với hôn phu/hôn thê… Hay chúng ta thường “nói dư, viết lặp” kiểu: đường quốc lộ, bổ sung thêm, chi tiết nhỏ, đặc trưng riêng, trong nội bộ, tối ưu nhất, rất là tối kỵ, công bố công khai, hồi sinh trở lại...

Cứ thử làm một trắc nghiệm nhanh với những người thân và bạn bè xung quanh, tuổi dưới 40, chúng ta sẽ thấy rất rõ điều trên. Ngay những bạn sinh viên các ngành khoa học xã hội hiện nay (trừ những bạn học chuyên ngành Hán Nôm), khi ra trường về làm việc tại các tòa soạn, nhà xuất bản, các công ty sách… cũng không khá hơn bao nhiêu.

Nguyên nhân của hiện trạng trên đã quá rõ: chúng ta có dạy bao nhiêu cho học sinh về từ vựng Hán Việt đâu! Vì vậy, các bạn không những không dùng đúng, mà quan trọng hơn là không cảm, không nhận ra được cái hay, cái đẹp của tiếng Việt: Thế nào là một trí tuệ mẫn tiệp? Vì sao huân chương cao quý hơn huy chương? Cảm tử và quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh: cách diễn đạt nào sâu sắc hơn?

Cần nhắc lại rằng từ Hán Việt là… tiếng Việt! Trong thực tế, chúng ta khó lòng nói và viết hoàn toàn thuần Việt trừ một số câu hết sức đơn giản. Trong Đảng, dùng rất nhiều từ Hán Việt: nghị quyết, chi ủy, chấp hành, nhiệt liệt, dao động, lập trường, tự chuyển hóa, tự diễn biến… Văn bản nhà nước tràn đầy từ Hán Việt: đề bạt, quy hoạch, bổ nhiệm, chỉnh trang, phục dựng, phối kết hợp, lãnh chỉ đạo, văn bản pháp quy… Trong quân đội, các kiểu câu sau đây là hết sức thông dụng: yêu cầu đồng chí chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh thủ trưởng, đề nghị tranh thủ thời gian vì tình hình khẩn trương lắm rồi…

Thuật ngữ các ngành khoa học từ triết học, toán học đến sinh học, ngữ học tuyệt đại đa số là hệ thống từ ngữ Hán Việt: khách thể, nội quan, biện chứng, phạm trù, tiên nghiệm tính, lượng giác, đạo hàm, tích phân, nghiệm số, hằng đẳng thức, biến dị, di truyền, đồng hóa, dị hóa, nhiễm sắc thể, hư từ, thực từ, tiếp vĩ ngữ, ngữ dụng học, quan hệ đối vị, quan hệ ngữ đoạn…

Mỗi ngày, chúng ta nghe-đọc-nói-viết với một số lượng lớn từ Hán Việt, nhưng lại không hiểu chúng một cách thấu đáo, cặn kẽ. Chúng ta vẫn thường sử dụng theo cảm tính, bắt chước, nên không thể cảm nhận và diễn đạt một cách rõ ràng, sâu sắc được. Cần nhớ rằng, những dịch giả bậc thầy của chúng ta, đều là những người không chỉ giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, mà còn là những người rất điêu luyện từ Hán Việt.

Chúng ta không mong mình làm dịch giả, nhưng nếu muốn nâng cao thực sự năng lực tiếng Việt, không thể không quan tâm học tập để nắm vững lớp từ vựng Hán Việt! Ấy là chưa nói đến việc kế thừa và phát triển các giá trị di sản văn hóa Hán Nôm mà cha ông ta để lại từ ngàn năm trước.

Đối với việc dạy chữ Hán cho học sinh phổ thông, tôi cho rằng cần tập trung giảng dạy lớp từ vựng Hán Việt.Với khoảng 1.500 đến 2.000 đơn vị Hán Việt thông dụng nhất, rải ra trong các năm học, soạn thành giáo trình thú vị sinh động theo từng cấp học/lớp học, giúp các em nắm được, chẳng hạn chữ thụ có mấy chữ thụ với những nghĩa khác nhau ra sao, cổ trong cổ động không giống với cổ trong cổ đông/cổ phần/cổ tức ở chỗ nào, khi nào ta dùng nhị, lưỡng, song…

Phương án này vừa khả thi vừa hữu dụng, vì với lượng từ ngữ này, xong tú tài, các bạn đã có thể đọc được thơ Đường, thơ phú chữ Hán của cha ông (theo phiên âm Hán Việt), nói và viết đúng lớp từ Hán Việt phổ biến, cảm nhận tốt hơn các phương thức diễn đạt có yếu tố Hán Việt trong khoa học và nghệ thuật. Và từ đó, cũng chính là góp phần nâng cao năng lực tiếng Việt cho mỗi bạn trẻ chúng ta.

PHIÊN AN thực hiện

Từ khóa » Triều Tiếng Hán Là Gì