CHỮ TỤC THỂ Phác Can Viện Nghiên cứu Hán Nôm Chữ Hán phát triển đến Khải thư, Hành thư trở đi, thì hình chữ đã được cố định hóa, những biến đổi về sau chủ yếu là thay đổi kết cấu. Sự thay đổi này biểu hiện thành sự phân hóa và sự hội nhập về hình chữ. Để ghi cùng một từ hoặc ngữ tố, các trước tác khác nhau ở những thời đại khác nhau có thể dùng những chữ khác nhau. Nắm được những chữ khác nhau về hình thể có ích rất nhiều cho việc đọc thư tịch cổ. Muốn vậy, phải tìm hiểu để nắm được một số quy luật phân hóa và hội nhập hình chữ. Với bài viết này, chúng tôi muốn nói về chữ tục thể. Thuật ngữ “chữ tục thể” chỉ những hình thể chữ Hán viết tay trong dân gian không hợp với cách viết trong các tự thư, tự điển. Chữ Hán phát triển đến Triện văn, trải qua chỉnh lý toàn diện, cấu tạo chữ về cơ bản đã cố định; từ Triện văn sang Lệ thư rồi sang Khải thư, hình thái của các thiên bàng(1) lại được xác định thêm một bước. Đến đây thì cách viết đã có chuẩn mực. Chữ viết hợp chuẩn mực gọi là chữ đúng (chính tự 正 字) hoặc chữ chính thể (chính thể tự 正 体 字). (Chữ viết không hợp chuẩn mực gọi là chữ tục (tục tự 俗 字) hoặc chữ tục thể (tục thể tự 俗 体 字). Nếu đem so với chữ chính thể, thì chữ tục thể có đặc điểm là sự khác biệt về hình chữ có thể quy thành 3 loại: 1. Thay đổi nét. 2. Thay đổi thiên bàng 3. Đặt ra chữ khác. Có thể thấy rõ những đặc điểm ấy qua Bảng so sánh chữ chính thể tục thể dưới đây. Do chỗ có rất nhiều chữ tục thể tỏ ra ưu việt hơn chữ chính thể vì ít nét hơn, sử dụng tiện lợi hơn, cho nên được lưu truyền liên tục hàng ngàn năm nay, trong đó có những chữ đã chính thức được coi là chữ giản thể để thay cho chữ phồn thể sẵn có. Ví dụ: 變 / 變 | 寶 / 宝 | 醫 / 医 | 聲 / 声 | 體 / 体 | 亂 / 乱 | 辭 / 辞 | 單 / 单 | 燈 / 灯 | 敵 / 敌 | 顧 / 顾 | 獻 / 献 | 墳 / 坟 | 驢 / 驴 | 遷 / 迁 | 僅 / 仅 | 進 / 进 | 繭 / 茧 | 膠 / 胶 | 驚 / 惊 | 積 / 积 | 龜 / 龟 | 龍 / 龙 | 礦 / 矿 | 漢 / 汉 | 穢 / 秽 | 雞 / 鸡 | vân vân. |
Ngày nay những chữ giản thể đã trở thành chữ chuẩn được pháp định bằng văn bản của Nhà nước (CHND Trung Hoa) nên đã từ tục thể chuyển hóa thành chính thể. Có thể thấy rằng trong một bộ phần chữ tục thể trước đây, có những yếu tố khoa học, hợp lý mà ta không nên khinh thị và phủ định hoàn toàn, coi tất cả chữ tục thể là “mách qué”. Đương nhiên, lại cũng phải nhìn thấy rằng trong các chữ tục thể, có rất nhiều chữ là không khoa học, thậm chí là chữ viết sai, do nhiều nguyên nhân: hoặc là chịu ảnh hưởng của “thảo thư” giảm bớt nét và nhập những thiên bàng gần giống nhau làm một, hoặc do tri thức văn tự chưa được phổ cập, hoặc do chưa thấm nhuần ý nghĩa của chuẩn hóa văn tự. Thí dụ:
Các chữ tục thể này thậm chí được đưa vào Can lộc tự thư(2) của Nhan Nguyên Tôn đời Đường, cho thấy chúng được lưu truyền khá rộng rãi thời bấy giờ. Nhưng dù xét về kết cấu, hay về ứng dụng thì chúng đều không hợp lý, không nên phổ biến rộng ra. Có thể thấy rằng trong vấn đề chữ tục thể, nhà nước CHND Trung Hoa thông qua Ủy ban Cải cách văn tự toàn quốc (nay là Ủy ban công tác ngôn ngữ văn tự toàn quốc) đã thể hiện một quan điểm khoa học là khẳng định những nhân tố hợp lý trong đó để phổ biến phát huy, nâng lên tầm chuẩn mực chính thống, đồng thời gạt bỏ, đào thải những nhân tố bất hợp lý, tùy tiện phi khoa học làm hỗn loạn hệ thống văn tự Hán. Thời Lục triều(3), chữ tục thể đã được khắc cả vào bia, đến thời Tùy Đường càng nhiều, thậm chí ảnh hưởng đến cả các nhà thư pháp danh tiếng. Trong các tác phẩm thư pháp của Âu Dương Tuân và Nhan Chân Khanh đời Đường, người ta đã thấy có nhiều chữ tục thể. Bảng dưới đây liệt kê những chữ tục thể trong Cửu Thành cung Lễ tuyền minh 九 成 宮 醴 泉 銘 của Âu Dương Tuân và Đa Bảo tháp bi 多 寶 塔 碑 của Nhan Chân Khanh. Việc phát minh và ứng dụng rộng rãi cách in chữ đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho việc chuẩn hóa chữ Hán: một mặt nhờ việc ấn hành hàng loạt tự thư, tự điển có vai trò chuẩn mực có thể tra cứu được; mặt khác qua khâu biên tập và khắc chữ nếu được các danh sĩ có uy tín học thuật điều khiển, người ta ngăn chặn được những chữ không hợp chuẩn, nhất là những chữ viết sai, viết lẫn nên các ấn phẩm in ra có ảnh hưởng tốt đến thói quen viết chữ của mọi người. Nhưng muốn làm tốt việc này cần có sự quan tâm thích đáng và nỗ lực không ngừng của các tổ chức, các cơ quan chức năng của nhà nước, để cho nghề in không góp sức phổ biến các chữ tục thể phi lý, nhân rộng những chữ viết sai, viết lẫn, viết tùy tiện. Nhà ngôn ngữ học Lý Vinh trong Vấn đề văn tự đã dành một chương Ngũ chủng vãn Minh khắc bản tiểu thuyết dụng tự khích lệ để khảo sát và giải thích những chữ tục thể có khá nhiều trong các tiểu thuyết khắc in cuối đời Minh, trong đó ông đã liệt kê các chữ.
Rất rõ ràng là những chữ này không hề có tác dụng phân hóa chữ đồng âm hay chữ đa nghĩa, cho nên ngoài 2 chữ 奈 và 單 ra, còn đều không lưu hành được. Tình hình sử dụng bừa bãi các chữ tục thể còn kéo dài mãi cho đến thời cận đại. Vì thế, đọc các sách báo thông thường xuất bản mấy chục năm trước đây, vẫn thấy chữ Hán được sử dụng khá hỗn loạn, trong đó một nguyên nhân chủ yếu là dùng chữ tục thể một cách bừa bãi. Do tình hình chữ tục thể khá phức tạp, nhận thức của người ta đối với nó lại rất khác nhau cho nên có các tự điển và từ điển không thu thập chúng, có cuốn chỉ thu thập một phần. Thu thập tương đối nhiều chữ tục thể, ngoài Long khám thủ kính, Quảng vận, Tập vận, Khang Hy tự điển, Trung Hoa đại tự điển ra, còn có Can Lộc tự thư của Nhan Nguyên Tôn và San mậu bổ khuyết Thiết vận của Vương Nhân Húc và Tống nguyên dĩ lai tục tự phả của Lưu Phục và Lí Gia Thụy thời cận đại. Có điều là trong những sách đó, do sự khác nhau về tiêu chuẩn của những thời đại khác nhau, do trình độ tác giả khác nhau, cho nên giải thích chữ chính thể tục thể của họ không hoàn toàn giống nhau, có lúc thậm chí trái ngược nhau, lật ngược cả quan hệ chính - tục. Qua những thí dụ nêu trên, ta có thể thấy trong các chữ tục thể, có những chữ chính là chữ dị thể, có những chữ giản thể. Điều đó nói lên rằng có sự giao thoa giữa các khái niệm chữ dị thể, chữ giản thể và chữ tục thể. Nhưng, đó lại là 3 khái niệm khác nhau, với nội hàm và ngoại diên không giống nhau. Chữ tục thể là những hình chữ viết tay trong dân gian không phù hợp với tự thư, đó là khái niệm độc lập với chữ chính thể. Trong đó có một bộ phận có ích cho việc phân hóa chữ đồng âm hoặc chữ đa nghĩa hoặc có ích cho hình chữ giản hóa, phù hợp với nguyên lý tạo chữ Hán, do đó trải qua thời gian dài ứng dụng cuối cùng đã được xã hội chấp nhận, trở thành chữ chính thể. Những chữ đó với những chữ vốn được coi là chữ chính thể có thể trở thành dị thể của nhau. Nhưng cũng có một số lượng đáng kể ccs chữ tục thể không hề có tác dụng tích cực đối với chữ giản thể cũng như đối với việc phân hóa chữ đồng âm và chữ đa nghĩa, do đó trước sau không hề được xã hội chấp nhận. Ngoài ra, trong chữ tục thể cũng có không ít trường hợp là chữ sai, không hợp với nguyên tắc cấu tạo chữ Hán, sự tồn tại của chúng chỉ có tác dụng nhiễu loạn văn tự, tất nhiên cần phải đào thải. Trong chữ tục thể, quả có một số chữ giản thể, song đó chỉ là một bộ phận, còn một bộ phận khác thì còn rườm nết hơn chữ chính thể, có thể nói là chữ phồn hóa, chữ “rườm”, thí dụ như: Những chữ này nói cho chặt chẽ phải coi là chữ sai, cho nên chỉ có thể bị đào thải. Chú thích: 1. Thiên bàng: trong hình chữ Hán thường có một số bộ phận tổ thành, như “nhân đứng 亻” trong các chữ vị 位, trú 住, kiệm 儉, đình 停 v.v... “chữ biển 扁” trong các chữ thiên 偏, biển 翩, thiên 篇, biển 匾... “chữ lệnh 令” trong các chữ linh 拎, linh 伶, linh 零, linh 翎..., đều gọi chung là thiên bàng. Trong đó nhân đứng là bộ thủ, còn biển và lệnh không phải là bộ thủ. 2. Can lộc tự thư: sách do Nhan Huyền Tôn đời Đường soạn, xếp chữ theo 4 thanh, sắp thứ tự các chữ trong đó theo 206 bộ (với Đường vận đại đồng tiểu dị), mỗi chữ chia ra 3 thể tục, thông và chính, rất đầy đủ và rõ ràng, tiện cho việc viết biểu chương... vì thế đặt tên là “Can Lộc tự thư” (Can Lộc: tìm kiếm chức vị bổng lộc). 3. Lục triều: sáu triều đại Ngô, Đông Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần, lần lượt đóng đô ở Kiến Khang (Nam Kinh ngày nay), gọi chung là Lục triều (222-589). TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH 1. Trung Quốc Bách khoa từ điển - (Phần ngôn ngữ học), Bắc Kinh, 1986. 2. Khâu Đức Tu, Văn tự học tân thám Nxb.. Hợp ký đồ thư. Taipei, 1995. 3. Hà Cử Doanh, Hồ Song Bảo, Trương Mãnh chủ biên, Trung Quốc Hán tự văn hóa đại quan, Nxb., Bắc Kinh Đại học, Bắc Kinh 1995. Thông báo Hán Nôm học 1996 ( tr.31-37) |